Nước là chất dinh dưỡng tuy không cung cấp năng lượng nhưng đặc biệt cần thiết cho một cơ thể sống. Nước tham gia vào tất cả hoạt động chuyển hoá trong cơ thể người, hỗ trợ quá trình tiêu hoá thức ăn, hoà tan và hấp thu các vitamin, điều hoà thân nhiệt, bôi trơn các khớp, tăng thải độc và loại bỏ chất thải ra ngoài. Trên thực tế, các bác sĩ dinh dưỡng đã phát hiện nhiều trường hợp phát bệnh do tuỳ tiện dùng những loại nước uống không hợp lý. Việc uống nước sai cách sẽ kéo theo vô số hệ luỵ nguy hại cho con người. Sau đây là một số thói quen uống nước không khoa học, nếu liên tục kéo dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
1. Chờ khát mới uống
Các nghiên cứu y tế cho biết: cơ thể mất nước qua da một ngày trung bình 0,5 – 0,8 lít nước, khi trời nóng có thể lên tới 10 lít, qua phổi 0,5 lít, qua thận 1,2 – 1,5 lít, qua ống tiêu hoá 0,15 lít, và khi bị tiêu chảy, số lượng nước bị mất đi còn nhiều hơn thế.
Không nên chờ khát mới uống nước
Không nên chờ khát mới uống nước
Nhiều người chỉ đến lúc khát mới uống nước. Đừng quên, uống nước không chỉ để thoả mãn cơn khát mà nó còn góp phần vào quá trình trao đổi chất trong cơ thể
Các trường hợp rối loạn chuyển hoá nước thường xảy ra ở một số bệnh như sốt cao, tiêu chảy, nôn nhiều, mất máu, hoặc lao động trong điều kiện quá nóng ra nhiều mồ hôi. Lúc này, việc bù nước để duy trì thường xuyên, cân bằng nước và điện giải là rất cần thiết để bảo vệ sức khoẻ. Nên hình thành thói quen uống nước hợp lý, bất kể khát hay không, bạn đều cần kịp thời bổ sung nước cho cơ thể.
2. Uống quá nhiều nước
Đúng là nước rất cần thiết để duy trì sự sống, tuy nhiên không phải cứ uống càng nhiều nước càng tốt. Lượng nước thực tế một người cần phụ thuộc vào các yếu tố: Cân nặng, cường độ vận động, môi trường làm việc, thời tiết… Vậy nên, chỉ uống nước vừa đủ. Uống quá nhiều sẽ dẫn tới thừa nước, ứ nước khiến thận bị quá tải, làm giảm chức năng lọc thải độc của thận kèm theo nhiều nguy hại như gây rối loạn các chất điện giải trong máu, ảnh hưởng đến tế bào cũng như hoạt động của tế bào trong cơ thể, đặc biệt là tế bào não. Việc dư thừa nước cũng có thể dẫn tới tăng huyết áp, tăng gánh nặng cho hệ tuần hoàn.
3. Vừa ăn, vừa uống
Nhiều người có thói quen uống nước trong khi ăn vì cho rằng nước giúp thức ăn được tiêu hoá dễ dàng. Việc uống một ngụm nước trong suốt bữa ăn tuy không gây hại, nhưng nó sẽ là câu chuyện khác hẳn nếu uống 1 hoặc 2 ly nước.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng uống nước trong khi ăn làm loãng dịch vị được tiết ra để tiêu hoá thức ăn, ảnh hưởng đển chức năng tiêu hoá của dạ dày, làm tăng lượng isulin và tích tụ chất béo… Để tránh uống nhiều nước trong bữa ăn, tốt nhất không nên ăn các thức ăn quá mặn
4. Trước khi đi ngủ, ngủ dậy không uống nước
Một ly nước ấm vào buổi sáng sẽ giúp cơ thể tỉnh táo, loại bỏ các chất độc hại
Khi ngủ, lượng nước trong cơ thể mất đi khiến cho nước trong máu giảm, độ dính của máu tăng cao. Những ngày mùa đông, thời tiết hanh khô do độ ẩm không khí giảm, nước còn có tác dụng làm nhuận đường hô hấp, giúp ngủ ngon hơn. Do vậy, trước khi đi ngủ bạn nên uống một, hai ngụm nước nhỏ, không cần uống quá nhiều vì như vậy sẽ làm dạ dày đầy ứ khiến cơ thể khó chịu và khó ngủ.
Buổi sáng ngủ dậy, việc đầu tiên nên làm là uống một cốc nước. Tốt nhất là nước ấm, sẽ giúp thanh lọc cơ thể, loại bỏ những chất độc hại, tăng cường khả năng lưu thông và tuần hoàn máu.
5. Không uống nước ngay khi ăn quá mặn
Ăn quá mặn có thể làm tăng huyết áp, sưng miệng, giảm cảm giác thèm ăn…Nếu thường xuyên ăn mặn hoặc bất ngờ ăn phải món quá mặn, điều cần làm trước tiên là phải uống nước lọc hoặc nước chanh. Không nên uống nước có đường hoặc ăn sữa chua ngay lập tức bởi nó có thể kích thích cảm giác khoang miệng khiến bạn càng thêm khát.
6. Không khát không uống nước
Đa số chúng ta đều uống nước khi thấy khát, thậm chí là khát đến cháy cổ, khi mà lượng nước trong cơ thể đã bị mất đi 1%. Thói quen này không tốt cho sức khỏe chút nào. Nước không phải đơn thuần chỉ là uống để giải khát mà nó còn “can thiệp” vào sự trao đổi chất của cơ thể. Thiếu nước trong thời gian dài có thể dẫn tới tình trạng cơ thể mệt mỏi, kiệt sức và nguy cơ mắc bệnh về tim mạch cao. Do đó, nên uống nước thường xuyên bất kể là khi khát hay không, nhằm giúp cơ thể nạp đủ lượng nước cần thiết.
6. Dùng nước có Ga thay thế nước lọc
Nhiều người lựa chọn các loại nước có ga để uống bởi mùi vị, màu sắc hấp dẫn của chúng. Tuy nhiên, nước có ga không có tác dụng bổ sung nước cho cơ thể mà còn làm giảm sự ngon miệng, giảm ham muốn uống nước.
Trong nước có ga thường chứa các chất phụ gia, chất màu, chất bảo quản, chất tăng vị… Nếu uống trong thời gian dài gây tổn hại thận, làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận, co thắt dạ dày, viêm dạ dày, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và dễ gây béo phì ở trẻ em. Thêm vào đó, uống nước có ga dễ dẫn đến trướng bụng, đau bụng đi ngoài, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể.
7. Không thường xuyên rửa bình lọc nước
Nước đóng bình hay bình lọc nước không chỉ phổ biến trong gia đình mà còn ở các nơi công cộng. Thường mọi người chỉ uống, ít khi nghĩ đến việc cọ rửa chúng cho sạch theo định kỳ. Nước trong bình lọc tưởng là sạch nhưng thực tế, mức độ ô nhiễm rất nghiêm trọng. Do đó nên vệ sinh bình lọc nước thường xuyên, đặc biệt mùa hè phải thực hiện tối thiểu 2 lần/tuần.
Các chuyên gia cho biết tốt nhất chúng ta nên sử dụng nước đun sôi để nguội đã thực sự tinh khiết, không còn các chất độc hại, kim loại nặng hay vi rút, vi khuẩn để uống hàng ngày. Lượng nước cần bổ sung cho cơ thể một ngày trung bình từ 1,5 – 2 lít nước mới đảm bảo giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động hiệu quả.